Home 2014 August 06 Thần Tú và Huệ Năng

Thần Tú và Huệ Năng

Thần Tú và Huệ Năng

Khoảng niên hiệu Hàm-Hanh (670-674 T.L.) nhà Đường, có người cư sĩ họ Lư tên Huệ-Năng từ phương Nam đến yết kiến Sư. Sư hỏi: -Ngươi từ đâu đến ? Huệ-Năng thưa: –Đệ tử ở Lãnh-Nam đến. –Ngươi đến ý muốn cầu việc gì ? –Đệ tử chỉ muốn cầu làm Phật. -Người Lãnh-Nam không có Phật tánh, làm sao làm Phật được ? -Người thì có Nam Bắc, Phật tánh há có Nam Bắc sao ? Sư biết là bậc lợi căn, giả vờ nạt bảo: -Lại nhà sau đi ! Huệ-Năng đảnh lễ, đi xuống nhà sau lãnh phần bửa củi, giã gạo.


Một hôm, Sư dự biết thời kỳ truyền pháp đã đến, liền gọi đồ chúng đến bảo:


-Chánh pháp khó hiểu không nên nhớ ghi lời nói suông của ta, giữ làm nhiệm vụ của mình. Các ngươi, tùy ý mỗi người thuật một bài kệ, nếu ý ngộ thầm phù hợp, ta sẽ truyền pháp và y bát.


Lúc đó, hội chúng hơn bảy trăm người, ai cũng tôn sùng thượng tọa Thần-Tú làm bực thầy. Họ đồng bảo nhau:


-Nếu không phải Thượng-Tọa Tú, còn ai đảm đương nổi.


Họ đồng nhường phần trình kệ cho Thần-Tú. Thần-Tú thầm nghe lời bàn tán của chúng như vậy, tự suy nghĩ phải làm kệ. Làm kệ xong, ban đêm ông lén biên lên vách chùa phía ngoài hành lang:


Thân thị bồ đề thọ, Tâm như minh cảnh đài, Thời thời cần phất thức, Mạc sử nhạ trần ai.


Dịch: Thân là cội bồ đề, Tâm như đài gương sáng, Luôn luôn phải lau chùi, Chớ để dính bụi bặm.


Sáng ngày, Sư đi kinh hành qua thấy bài kệ, đọc qua biết là của Thần-Tú làm. Sư khen rằng: -Người đời sau, nếu y bài kệ nầy tu hành cũng được thắng quả. Toàn chúng đều đua nhau đọc tụng. Ở nhà trù, Huệ-Năng đang giã gạo, có một ông đạo đi qua tụng bài kệ ấy. Hỏi ra biết của Thần-Tú làm, Huệ-Năng bèn nhờ dẫn đến chỗ biên kệ đảnh lễ, đồng thời nhờ biên giùm một bài kệ hòa lại:


Bồ đề bổn vô thọ, Minh cảnh diệc phi đài, Bổn lai vô nhất vật, Hà xứ nhạ trần ai.


Dịch: Bồ đề vốn không cội, Gương sáng cũng chẳng đài, Xưa nay không một vật, Chỗ nào dính trần ai.


(Thiền của Tổ Huệ Năng lấy giáo pháp “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” tức là lấy vô niệm làm gốc, sáu căn không dính mắc vào sáu trần tức thì thấy pháp thân)


Author: Tuấn Kiệt

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *